03 Tháng 7 2013
|Những ngày đầu mới được tuyển dụng vào Cục Hải quan tỉnh Quảng Bình, giữa các chú, các cô đồng nghiệp từ Hải quan Bình Trị Thiên chuyển về đã từng quen với những gian khổ, có người còn chưa phai nhoà màu áo lính, tác phong người chiến sĩ còn in sâu thì tôi một cô học trò còn chưa “bóc mác” quen ngủ dậy muộn nên việc đi làm trễ giờ đối với tôi là chuyện thường, nhưng cũng chính đó bài học về kỷ luật kỷ cương mà suốt cuộc đời tôi không thể nào quên.
Hồi đó, chú Lê Quê là Chánh văn phòng, chú nghiêm khắc lắm, đặc biệt là tác phong lề lối làm việc đối với lớp trẻ như tôi. Hôm đó tôi đi làm muộn, vào đến cổng thấy Chú, tôi rón rén lách qua cửa sau đi vào nhưng chú vẫn thấy rồi nhắc tôi: đi làm muộn nhé. Tưởng mọi chuyện thế rồi thôi, không ngờ cuối năm khi bình xét thi đua, đến lượt tôi chú góp ý: đồng chí Nhi đi muộn 1 lần, 32 phút, vào ngày/tháng…, như thế là chưa thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương, đề nghị phân loại 2. Chứng cứ quá xác thực, tôi bị phân loại 2 năm đó (tương đương với hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực với bây giờ).
Tôi cảm thấy thật hụt hẩng xen lẫn một chút chán nản. Cả một năm trời làm việc, mà nào tôi có phải kém cỏi gì về năng lực đâu cơ chứ (?), một lần đi muộn thì có ảnh hưởng gì đến công việc đâu (?), hay là chú không thích tôi vì lý do khác (?). Tôi miên man suy nghĩ, càng nghĩ tôi càng giận chú nhưng vì “lính mới” nên chẳng dám nói gì.
Mồng hai tết năm đó, theo đám bạn đi chơi về, vừa bước vào nhà đã thấy chú ngồi nói chuyện với ba tôi, tôi nấp sau cánh cửa tôi nghe rõ từng lời chú nói với ba:
- …Con gái anh được lắm, nhưng còn tiểu thư quá, tôi muốn rèn cho nó để nó có được một tác phong của “người chiến sỹ” anh ạ, nhưng nó chẳng giận tôi, nó vẫn đến thăm tôi khi tôi ốm… chỉ nghe đến đó nước mắt tôi trào ra: cháu hiểu rồi, cháu xin lỗi chú, chú ơi!
Sau này, nghe ba tôi kể: chú là bạn chiến đấu của bác hàng xóm nhà tôi, chú đến thăm bác ấy, biết đây là nhà tôi nên chú ghé chơi.
Từ đó, tôi tự rèn cho mình một thói quen luôn đi trước, làm trước và không để ai phải đợi mình dù trong những vấn đề rất nhỏ của cuộc sống thường ngày hay trong công việc được giao. Chính thói quen này đã góp phần không nhỏ cho sự thành công trong cuộc sống của tôi hôm nay.
Năm 2013, Cục Hải quan tỉnh Quảng Bình xác định là năm thực hiện nghiêm “Kỷ luật, kỷ cương”, đáp ứng yêu cầu cải cách hiện đại hoá của Ngành Hải quan. Tôi thiết nghĩ, việc thực hiện nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương không có gì lớn lao mà cần bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như đi làm đúng giờ - bài học đầu tiên về kỷ luật kỷ cương năm nào mà chú Lê Quê đã dạy tôi.
Đặng Thị Nhi - Tổ Công đoàn văn phòng