14 Tháng 12 2014
|HIV/AIDS cũng giống như những căn bệnh nan y khó chữa hoặc vô phương cứu chữa trên thế giới. Ai trong chúng ta cũng có thể là người nhiễm bệnh, nó không loại trừ bất kỳ ai. Khi có người nhiễm HIV cũng là lúc bắt đầu có sự kỳ thị, phân biệt đối xử. Bao nhiêu năm qua, sự kỳ thị và phân biệt đối xử người nhiễm vẫn còn đó, ẩn chứa đâu đây quanh mỗi chúng ta.
Nỗi đau HIV/AIDS vẫn nhức nhối trong lòng biết bao người trong cuộc, sẽ khó có thể nguôi ngoai nếu cộng đồng không vượt qua sự kỳ thị với những người chẳng may sa ngã vì HIV/AIDS. Chúng ta vẫn đang chứng kiến hình ảnh biết baoông bố, bà mẹ, biết bao người vợ đang lầm lũi, lặng thầm cam chịu nỗi đau mất con, mất chồng do đại dịch HIV/AIDS, họ phải chịu sự kỳ thị của mọi người xung quanh khi có người thân nhiễm HIV.
Không có nỗi đau tột cùng nào phải gánh chịu như nỗi đau mất con, mất người thân, chỉ vì phút yếu lòng, sa ngã mà dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Hơn ai hết họ rất cần sự chia sẻ, giúp đỡ của xã hội, đó là nguồn động viên to lớn, giúp họ có động lực vượt qua sự dằng xé của căn bệnh nguy hiểm và cả những ánh mắt không mấy thiện cảm từ những người xung quanh.
Đại dịch HIV/AIDS không những gây ra hậu quả to lớn về mặt kinh tế, XH đối với các quốc gia ở khắp các châu lục, mà còn để lại bao nỗi bất hạnh cho bản thân, tinh thần người nhiễm HIV/AIDS gia đình và người thân của họ. Xin đừng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm, hãy đặt mình vào vị trí của người trong cuộc để lắng nghe, thấu hiểu những nỗi đau và biết chung tay giúp đỡ, chia sẻ vì phòng chống HIV/AIDS là trách nhiệm và nghĩa vụ của toàn XH, của từng gia đình và mỗi cá nhân chúng ta...
Hoàng Hương