05 Tháng 8 2012
CBCC Hải quan cần yêu cầu DN khai báo cụ thể, rõ ràng các nội dung liên quan đến phí bản quyền Thời gian qua, việc xác định trị giá tính thuế đối với hàng hóa NK có liên quan đến khoản phải cộng là tiền bản quyền, tiền phí giấy phép đã được quy định trong các nghị định và thông tư hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Tài chính.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, cơ quan Hải quan gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do một số người khai hải quan chưa khai báo đầy đủ những khoản chi phí này, đòi hỏi cơ quan Hải quan (đặc biệt là các đơn vị hải quan cửa khẩu) cần có nhiều kinh nghiệm khi xử lí.
Đó là nhận định của đại diện một số vụ, cục thuộc Tổng cục Hải quan và đơn vị hải quan địa phương tham dự hội thảo “Chi phí bản quyền trong công tác xác định trị giá hải quan đối với hàng NK” do Ban Quản lí dự án JICA (Tổng cục Hải quan) phối hợp với Tổ chức quốc tế Nhật Bản vừa diễn ra tại TP.HCM.
Ông Lê Mạnh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Hải quan Việt Nam, Tổ trưởng Tổ Trị giá Hải quan, Ban Quản lí Dự án JICA cho biết, theo Điều 8 của Hiệp định xác định trị giá tính thuế hải quan (GATT) quy định, phí bản quyền và phí giấy phép được cộng vào trị giá hải quan nếu liên quan đến hàng hóa đang được xác định trị giá, được trả bởi người mua như là một điều kiện bán hàng, chưa bao gồm trong giá bán. Theo đó, những quyền gắn liền với tiền bản quyền và phí giấy phép gồm: Bằng sáng chế và các giải pháp hữu ích; nhãn hiệu; quyền tác giả.
Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề này, tại một số cục hải quan đã phát sinh một số tình huống nhạy cảm khi xác định trị giá tính thuế có liên quan đến phí bản quyền nhãn hiệu đối với hàng NK. Đại diện Cục Hải quan Hà Nội cho biết, khi làm thủ tục hải quan cho DN NK vật tư linh kiện từ chính hãng để sản xuất sản phẩm, ngoài số tiền phải trả cho hàng hóa tại thời điểm NK, phía người mua còn phải trả phí bản quyền sử dụng nhãn hiệu chính hãng theo tỉ lệ doanh thu tiêu thụ sản phẩm.
Đây là tình huống rất nhạy cảm trong việc xác định trị giá tính thuế đối với hàng hóa NK vì hàng hóa NK của DN chỉ là vật tư linh kiện đầu vào, phải trải qua quá trình sản xuất để tạo ra sản phẩm mới; thời điểm xác định số tiền bản quyền phải trả không cùng thời điểm giao dịch và không căn cứ vào số hàng NK. Tiền bản quyền sử dụng nhãn hiệu phải trả không liên quan trực tiếp đến hàng NK.
Tuy nhiên, theo tinh thần Hiệp định GATT thì mối quan hệ giữa chính hãng và người NK thuộc loại quan hệ đặc biệt, trong quan hệ mua và bán có ẩn chứa nhiều ràng buộc mà đó chính là điều kiện để thực hiện giao dịch. Vì vậy, Cục Hải quan Hà Nội rất khó khi xác định trị giá tính thuế hải quan với mặt hàng trên.
Hoặc trường hợp vướng mắc tại Cục Hải quan TP.HCM liên quan đến bản quyền phim truyền hình là: Công ty TNHH giải trí A. NK một số phim truyện truyền hình được ghi trên chất liệu băng betacam theo hợp đồng nhập và thỏa thuận với Công ty B của Hàn Quốc. Theo đó, Công ty A phải thanh toán cho Công ty B số tiền 800 USD/bộ phim, trong đó số tiền này được chia thành 2 loại là tiền dành cho băng có chứa nội dung phim (5USD/cái) và tiền bản quyền cho nội dung phim (795 USD/cái).
Tuy nhiên, theo đại diện Cục Hải quan TP.HCM, tại thời điểm làm thủ tục đơn vị không biết phân loại như thế nào cho mặt hàng này (phim hay băng chứa phim) và số tiền bản quyền cho nội dung phim có được cộng vào để tính thuế NK băng chứa phim đó không. Tức là giá tính thuế hải quan cho băng betacam có chứa nội dung phim sẽ là 5 USD hay 800 USD.
Qua một số tình huống xảy ra tại một số đơn vị hải quan địa phương như nêu trên, các đại biểu tham dự hội thảo cho rằng, hiện tại hầu hết các văn bản dưới luật chưa có hướng dẫn cụ thể về phí bản quyền, phí liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ…, dẫn đến việc thực hiện của công chức hải quan thường lúng túng và không thống nhất.
Theo đại diện Cục Hải quan Hải Phòng, thực tế các công chức hải quan chưa được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực này. Do vậy, cần tổ chức các khóa đào tạo và hội thảo chuyên đề chuyên sâu về lĩnh vực bản quyền, sở hữu trí tuệ, đồng thời tạo điều kiện cho các công chức hải quan trực tiếp thụ lí lĩnh vực này được đào tạo và học tập kinh nghiệm tại những quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lí trên.
Ngoài ra, tại thời điểm làm thủ tục hải quan, bộ phận nghiệp vụ cần yêu cầu DN khai báo thật cụ thể, rõ ràng các nội dung liên quan đến phí bản quyền, tập trung khai thác và làm rõ các nghi vấn, yêu cầu DN cam kết bằng văn bản; tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan nhằm làm rõ các nghi vấn đối với các trường hợp NK hàng hóa có liên quan đến phí bản quyền để ngăn chặn những trường hợp cố ý không khai báo trong trị giá tính thuế. Từ đó tổng hợp và rút ra các kinh nghiệm để phổ biến đến các bộ phận nghiệp vụ nhằm ngăn chặn gian lận ngay tại thời điểm làm thủ tục hải quan.
Theo Hải quan Online.
Bài mới nhất:
- Hải quan Quảng Bình đón nhân Huân chương Lao động hạng Nhất - Thứ tư, 17 Tháng 1 2018
- Tổng kết công tác tài chính - ngân sách 2017: Bội chi giữ ở mức 3,48% GDP - Thứ hai, 08 Tháng 1 2018
- Tổng cục Hải quan ký kết phối hợp thu với 5 ngân hàng thực hiện nộp thuế điện tử 24/7 - Thứ hai, 30 Tháng 10 2017
- Tổng cục Hải quan chính thức triển khai đề án nộp thuế điện tử và thông quan 24/7 - Thứ hai, 11 Tháng 9 2017
- Thông báo V/v gia hạn thời gian tiếp nhận hồ sơ cấp chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan năm 2017 - Thứ ba, 11 Tháng 7 2017
Bài cũ hơn:
- Gỡ vướng trong nhập khẩu ô tô - Chủ nhật, 05 Tháng 8 2012
- Nên cho phép đưa vật liệu xây dựng vào khu phi thuế quan - Chủ nhật, 05 Tháng 8 2012
- Đề xuất giải quyết thủ tục hải quan với hàng XK vào KTT Lao Bảo - Chủ nhật, 05 Tháng 8 2012
- Hướng dẫn thủ tục hải quan hàng gia công với thương nhân nước ngoài - Chủ nhật, 05 Tháng 8 2012
- Cần thống nhất trong xử lí vi phạm về hải quan - Chủ nhật, 05 Tháng 8 2012